Thủ phủ đào, quất ở Hà Nội rục rịch chuẩn bị hàng cung ứng Tết Nguyên đán
(BDO) Mặc dù cơn bão số 3 đã gây tổn thất nặng nề cho các hộ trồng đào, quất nhưng những ngày cuối năm, người dân đang tất bật chuẩn bị cho một ‘vụ mùa làm mật.’
Người trồng quất Tứ Liên đang tất bật chăm bẵm những cây còn sống sau bão để cung ứng hàng Tết Nguyên đán.
Sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, các làng trồng đào, quất ở Nhật Tân và Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đang nỗ lực khôi phục vườn cây để kịp cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Dù thời gian gấp rút nhưng người nông dân vẫn ngày đêm chăm sóc, phục hồi những cây đào, quất bị ngập úng, gãy đổ, hy vọng mang đến một mùa Tết trọn vẹn.
Những ‘tiếng thở dài’ sau bão
Theo ước tính của một số chủ vườn tại Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, Quảng An (Tây Hồ), sau con bão số 3, khoảng 30 đến 40% diện tích đào, quất ở đây bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng.
Gia đình nhà ông Nguyễn Sỹ Hùng (Nhật Tân, Tây Hồ) bao năm qua vẫn sống nhờ vụ đào Tết. Nhưng năm nay, những gốc đào thế và đào cành vẫn được chăm bẵm kỹ càng để chuẩn bị "bung hàng" dịp giáp Tết gần như mất trắng khi ngập chìm trong nước lũ.
Bão đã qua gần 3 tháng nhưng ông Hùng vẫn thở dài khi kể về những ngày cứu cây sau bão để có một mùa Tết như mọi năm.
Ông Hùng kể ngay khi nước sông Hồng vừa rút, nhà nào nhà nấy nhanh chóng hút nước, dọn bùn ở từng gốc đào. Người trồng hoa cây cảnh chăm chút nhánh cây, nên lần từng gốc rễ, phần nào bị úng nước thì cắt bỏ để cứu lấy phần có thể hồi sinh.
Các hộ dân tỉ mỉ chăm chút cho những cây đào 'như chăm con mọn' để hướng tới vụ mùa Tết 2025.
“Nước ngập như vậy thì bộ rễ đã bị tổn thương rất nhiều, lúc khô nhanh thì có thể cho thuốc kích rễ, tiếp tục bổ sung dinh dưỡng để đào phát triển, cố gắng cứu sống cây,” ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, người dân trong vùng đã phải tất bật đi ngược Xuân Mai, Phú Thọ, sang Vĩnh Phúc, về Nam Định, Thanh Hóa để mua gốc đào về trồng. Do nhu cầu trồng lại đào sau lũ lớn khiến giá cây tăng vọt, gấp 7 - 8 lần so với mọi năm. Giá tăng cao nhưng nhiều người vẫn không thể gom được hàng vì nguồn cung hạn chế.
Các hộ dân trồng quất cảnh Tứ Liên cũng chung nỗi vất vả, chị Trần Thị Quỳnh bày tỏ nỗi xót xa: ‘Thấy mưa to, nước sông lên, gia đình huy động mọi lực lượng để cứu cây nhưng chỉ cứu được một phần, tôi vừa ra cuối vườn kiểm tra quay vào đã thấy nước dâng lên tận cổ.’ Còn khoảng 3.000 chậu cây, gia đình chị cũng đành nuốt nước mắt nhìn nước nhấn chìm, thiệt hại tính khoảng vài tỷ đồng.
Từ sau trận lụt đến nay, ngày nào chị Quỳnh cũng phải thuê thợ đào cây hỏng ra để trồng cây giống vào. Số quất chạy lũ để trên đê hiện đang được chị Quỳnh thuê xe cẩu để chở lại vườn, cắt tỉa phục vụ bán Tết.
Sắc Xuân lại về trên ‘thủ phủ’ quất, đào
Ghé đến các vườn đào, vườn quất khoảng thời gian này, người dân đang kiên trì chăm sóc những mầm hoa, mầm quả nhú lên báo hiệu một mùa Tết đến rất gần. Dù diện tích trồng những loại cây mang sắc Xuân của Thủ đô không được phủ kín như trước đây, nhưng sức sống vẫn còn trong những thân đào, gốc quất đã được chủ vườn ra sức cứu chữa, chăm bẵm.
Từ cuối tháng 11, các vườn ở Nhật Tân đã tất bật tuốt lá, ‘thay áo’ cho đào chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt cho đào ra nụ để cung ứng thị trường Tết.
Ông Hùng cho biết: ‘Tết này cũng vẫn có đào nhưng mà đắt, không biết thị trường tiêu thụ ra sao.’ Theo ông dự đoán năm nay thời tiết sẽ lạnh hơn nhưng không vì thế mà ảnh hưởng nhiều đến hoa vì đa số người trong vùng đều có kinh nghiệm chăm sóc lâu năm.
Những gốc đào còn lại trong vườn nhà ông Hùng đã sát quỹ đạo phát triển và ra hoa như những năm trước, hứa hẹn đào Nhật Tân vẫn sẽ xuống phố vào dịp Tết năm nay.
Theo chia sẻ của một số người dân trồng quất ở Tứ Liên, nghề trồng quất cũng vất vả như trồng đào, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp. Hiện các vườn đang trong công đoạn cuối cùng để quất có thể chín vàng đúng dịp Tết. Đối với những cây quất bonsai, do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn.
Chị Quỳnh dịp này thuê từ 2-10 nhân công chăm sóc, gò để tạo thế cho những cây quất còn sống sót để kịp vào vụ Tết. Gam màu nâu xám ảm đạm của những cây quất chết vì ngập nước những ngày sau bão Yagi vẫn còn le lói nhưng màu xanh của lá, lẫn màu hoe vàng của quả quất đợi chín cũng đang chờ ngày Tết.
Theo chị Quỳnh, mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng gia đình vẫn còn khoảng 2.000 chậu quất lớn nhỏ phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Những cây cổ thụ còn lại trong vườn chị vẫn bán giá như mọi năm, không tăng giá vì tình hình kinh tế khó khăn chung. Hơn nữa, đa số khách tìm đến vườn đều là khách quen từ nhiều năm trước nên giá bán không thay đổi.
Sau thiên tai, nhờ sự kiên trì và dày công chăm sóc của hộ dân vùng ‘thủ phủ’ quất và đào cảnh, người dân vẫn mong chờ Tết năm nay sắc đào, quất vẫn khoe mình dưới phố phường Thủ đô và các vùng lân cận./.
Theo TTXVN