Những mô hình hay trong xây dựng chính quyền điện tử
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trong giai đoạn xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số ở Bình Dương, các cấp, các ngành đã, đang thi đua sôi nổi và xây dựng nhiều mô hình hay trong cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Nhiều mô hình hay đã giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng thuận lợi.
Những mô hình giúp dân
Với khẩu hiệu “Công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, hiện đại, sẵn sàng, thân thiện”, trong ngày làm việc thứ bảy hàng tuần, ở 7 phường của TP.Dĩ An, mô hình “Hành chính công lưu động” đã giúp người dân làm thủ tục hành chính (TTHC) trên nền tảng số, nhanh, gọn, tạo cảm giác hài lòng cho người dân.
Bà Bùi Thị Kim Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh - Chi nhánh Dĩ An, chia sẻ mô hình với mong muốn tuyên truyền đến nhân dân các nội dung thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản, sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến thông qua Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương.
Qua mô hình các nhà mạng hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng chữ ký số; tư vấn, hướng dẫn thực hiện tiếp nhận hồ sơ, số hóa hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền. Qua thực hiện, cán bộ đã trực tiếp hỗ trợ xử lý điểm nghẽn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân trong thực hiện TTHC trên môi trường mạng.

Theo ghi nhận, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả 16/19 mô hình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Cụ thể, mô hình Số hóa hộ tịch, Bình Dương là 1 trong 18 địa phương hoàn thành đầu tiên trong cả nước. Mô hình Cơ sở dữ liệu đất đai, Bình Dương là 5/16 địa phương hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai. Mô hình Sổ sức khỏe điện tử, Bình Dương đã tích hợp được 326.719 sổ, đứng thứ 12 trên toàn quốc. Mô hình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, Bình Dương là 1 trong 8 địa phương đầu tiên cả nước chính thức triển khai nhiệm vụ này. Cùng với thành công của nhiều mô hình hay cấp tỉnh, tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn có nhiều mô hình hỗ trợ tích cực người dân thực hiện hoàn chỉnh thủ tục DVC trực tuyến, các mô hình thực hiện VNeID trong đăng ký TTHC…
Hướng về lợi ích người dân
Xác định hướng về lợi ích của người dân trong cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số (CĐS), nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình hay. Cụ thể, xãPhúAn (TP.Bến Cát) đãchọn ấp Phú Thứ là 1 trong 5 ấp trên địa bàn để thực hiện mô hình ấp thông minh và ấp điểm về CĐS. Qua thống kê, ấp Phú Thứ có 4.626 nhân khẩu, tỷ lệ người dân của ấp sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,78%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu đạt 67,48%. Đây là những ưu điểm để toàn ấp thực hiện tốt mô hình CĐS, dùng tài khoản cá nhân thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
Toàn tỉnh hiện đã cấp hơn 2,39 triệu căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt 1,7 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 và đã liên thông với dữ liệu về bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, hộ tịch, sổ sức khỏe điện tử… Điều này đã hỗ trợ các tiện ích số hóa cho người dân. Đặc biệt, việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID giúp giảm đáng kể thời gian và công sức thực hiện TTHC. Các DVC trực tuyến đã được tối ưu hóa, nâng cao tính thuận tiện cho người dân khi thực hiện giao dịch với cơ quan Nhà nước... |
Tại các xã An Lập, Định An, Định Hiệp, Định Thành, Long Tân, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền và thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), đã xây dựng nhiều mô hình hay trong xây dựng chính quyền điện tử. Nếu như xã Long Hòa có mô hình hỗ trợ người dân làm TTHC tại nhà thông qua các đội tình nguyện của xã thì thị trấn Dầu Tiếng, xã Long Tân, xã Minh Hòa, cán bộ đã phối hợp nhà mạng, ngân hàng hướng dẫn, hỗ trợ cho hơn 5.000 người dân, cán bộ hưu trí đăng ký tài khoản ngân hàng, chuyển đổi điện thoại miễn phí từ 2G lên 4G. Các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn đã đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp nhân dân thực hiện DVC trực tuyến gắn với CĐS. Họ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cải cách hành chính, CĐS.
Trong các cuộc họp gần đây, lãnh đạo tỉnh tiếp tục đề nghị các cấp, các ngành xây dựng những mô hình hay trong xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu năm 2025, tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến từ 80%, toàn trình trên 50%, thanh toán trực tuyến đạt 80%, số hóa đầu ra trên 90%, số hóa đầu vào hơn 60%. Cấp ủy, Bí thư Đảng ủy sở, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng chương trình hành động về cải cách hành chính gắn với CĐS; xây dựng các nội dung, nhiệm vụ, cụ thể tháo gỡ điểm nghẽn và kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ có giải pháp, sáng kiến và thành tích trong công tác cải cách TTHC, CĐS...
HỒ VĂN