Ngày 7-5-1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng
(BDO) 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, tướng De Castries (Đờ Cát) cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ, toàn bộ quân địch đã đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đêm ngày 6/5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Trong ảnh: Đồi A1 bị ta tiêu diệt.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng
2 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954: lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta tung bay trên đồi A1, báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ huy của quân Pháp tại đồi A1 bị bộ đội ta bắt sống.
- 5 giờ 30 phút: 2 đại đội và 1 xe tăng của địch đánh phản kích lên đồi A1, nhưng bị hỏa lực pháo của bộ đội ta bắn cho tơi bời, phải rút chạy. Đó là trận phản kích cuối cùng của địch lên đồi A1.
- 7 giờ 30 phút: pháo binh ta vừa ngừng chế áp, Tiểu đoàn 215 và Đại đội 138 của Tiểu đoàn 375 chia làm ba mũi xung phong lên đánh đồi C2. Quân ta lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu.
- 9 giờ 30 phút: bộ đội ta hoàn toàn làm chủ đồi C2. Bộ chỉ huy khu Đông, gồm: Brêsinhắc, Bôtenla và một số đông sĩ quan dù tập trung tại đây cùng với hàng trăm thương binh đều bị bắt sống.
Cuộc chiến đấu trên những ngọn đồi phía Đông kết thúc. Cả khu trung tâm của địch nằm gọn dưới hỏa lực bắn thẳng của bộ đội ta. Như vậy, sau khi quân ta hoàn toàn làm chủ các đồi: A1, C1, C2 và điểm cao: 506, 310, khu vực chiếm đóng của địch chỉ còn lại mỗi chiều trên dưới 1.000 mét. Tinh thần binh lính địch hoàn toàn tan rã.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
- 10 giờ: tướng Cogny (Cô-nhi) nói chuyện với De Castries (Đờ Cát) qua vô tuyến điện thoại.
- 14 giờ: thấy quân địch có nhiều triệu chứng tan rã, lợi dụng thời cơ có lợi, Đại đoàn 312 ra lệnh cho Trung đoàn 209 tiếp tục tấn công cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh. Hầu như trong tất cả các trận địa của địch đều xuất hiện cờ trắng, vải trắng. Trung đoàn 209 tấn công tiêu diệt các cứ điểm 508, 509, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Trong khu trung tâm bắt đầu có hiện tượng địch phá hủy vũ khí và quẳng vũ khí xuống sống. Ngay trong lòng Mường Thanh cũng xuất hiện cờ trắng. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh: Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
- 15 giờ 30 phút: các sĩ quan đều đến quây quần bên cạnh Đờ Cát, gồm: Lănggle, Bigia, Lơmơnie, Vađô,... Đờ Cát gọi điện cho Cônhi báo cáo rằng: tiếng súng chống cự sẽ ngừng vào 7 giờ sáng mai.
Trong khi đó, “các đại đoàn của ta nhận được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía Đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía Tây giáp công sang, cùng tiến vào sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".
- 16 giờ: quân ta từ ba phía đánh vào khu trung tâm. Đại đoàn 312 từ phía Đông vượt qua cầu Mường Thanh. Đại đoàn 308 từ phía Tây mở đường qua sân bay, và từ phía Tây Nam mở đường vào Lili, hướng về Sở chỉ huy của Đờ Cát. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ. Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều.
Hoảng hốt, lo sợ, “Tham mưu trưởng tập đoàn cứ điểm Pagít gọi điện cho Lalăng ở Hồng Cúm thúc giục phải gấp rút thực hiện kế hoạch tháo chạy.
- 16 giờ 30 phút: quân ta tiến sát đến Sở chỉ huy của Đờ Cát.
- 17 giờ 30 phút: Đại đoàn 312 báo cáo lên Bộ chỉ huy mặt trận: “Toàn bộ quân địch trong khu trung tâm đã đầu hàng. Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị bắt".
- 17 giờ 55 phút: Cônhi điện báo cho Lalăng tìm mọi cách tháo chạy.
- 18 giờ 30 phút: Lalăng ra lệnh cho quân lính rời khỏi Hồng Cúm.
- 19 giờ: Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 truy kích địch ở Hồng Cúm đang tháo chạy về phía Thượng Lào.
- 24 giờ: Toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, gồm 2.000 tên rút chạy, đã đầu hàng quân ta.
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954.
Như vậy, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. (1)
Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ
Kết thúc chiến dịch, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.
Thứ nhất, Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 quân địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, bắn rơi nhiều máy bay; xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp.
Thứ hai, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao... cho cách mạng Việt Nam và mở đầu một giai đoạn mới: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như những đóng góp của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đã củng cố niềm tin của Nhân dân hai miền vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ - “độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng”, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý: Trong thời đại ngày nay, một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển nếu có một đảng mác xít chân chính lãnh đạo với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ thì nhất định đánh thắng mọi kẻ thù, dù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là cơ sở để sau này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin, dám đánh, biết đánh, quyết đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ tư, chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do; buộc chính quyền Pháp phải chấm dứt chính sách cai trị thực dân, tiến hành trao trả độc lập cho nhiều nước ở châu Á và châu Phi, đồng thời xem xét lại vị thế và các chính sách của mình đối với các nước vốn là thuộc địa cũ. Việt Nam là nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra trang sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954).
Giuyn Roa, ký giả kiêm sử gia, nguyên Đại tá quân đội viễn chinh Pháp khẳng định: “Trên toàn thế giới, Oatéclô trước đây không gây tiếng vang bằng, Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”. (2)
Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
[Nguồn: TTXVN; Sách: Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội;
(1) Lê Duẩn: Dưới cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 90
(2) Giuyn Roa, Trận Điện Biên Phủ, Nxb Giulia, Paris, 1963, tài liệu dịch Thư viện quân đội, 1984, tr. 284].
Theo TTXVN