Ngành dịch vụ: Cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh
(BDO)
Thời gian qua, dịch vụ logistics của tỉnh phát triển khá mạnh, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Động lực từ Chương trình 24
Chương trình số 24-CTr/ TU, ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020” là một trong 4 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đánh giá, thực hiện chương trình này, từ năm 2016 đến nay, khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 23,45% năm 2016 đã tăng lên 24,41%. Các ngành dịch vụ chất lượng cao đều có bước phát triển khá mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển công nghiệp và đô thị Bình Dương.
Các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính ngân hàng, logistics, thương mại, xuất nhập khẩu, y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin… cũng tích cực hỗ trợ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng theo cả chiều rộng và chiều sâu. Các dịch vụ thanh toán quốc tế, các sự kiện mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đề án xây dựng thành phố thông minh… bước đầu được triển khai thực hiện cùng với sự tập trung nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cốt lõi đã phát huy tác dụng lan tỏa, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư ở những lĩnh vực mới trong phát triển công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh mẽ, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp dân cư, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại.
Giải pháp phát triển dịch vụ
Trình bày dự thảo chương trình “Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại” tại hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là dịch vụ chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ còn yếu và chưa đồng bộ, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, y tế chất lượng cao, thể dục thể thao thành tích cao… chưa phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Các dịch vụ du lịch chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có như du lịch sinh thái vườn, lịch sử, tâm linh, làng nghề truyền thống... chưa triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch. Dịch vụ logistics có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng của địa phương, chưa hình thành các gói dịch vụ chuyển giao công nghệ, phân phối tiêu thụ sản phẩm... Dịch vụ nhà ở đô thị có bước chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa cao. Dịch vụ nhà ở cho người thu nhập thấp được quan tâm phát triển nhưng chưa theo kịp nhu cầu... Xuất khẩu tuy phát triển mạnh nhưng giá trị xuất khẩu chủ yếu vẫn hình thành từ nguyên liệu nhập khẩu, hàm lượng chất xám và nguyên liệu trong nước trong giá trị sản phẩm còn thấp...
Trên cơ sở những thành quả đạt được và những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình “Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại” để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Chương trình sẽ có tác động lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đề ra là tiếp tục phát triển đồng bộ các dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị theo hướng văn minh, hiện đại góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn đểthúc đẩy phân bổvà sử dụng nguồn lực xã hội, xây dựng “hệ sinh thái” dịch vụ để tạo đột phá trong phát triển dịch vụ.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ này, chương trình tập trung triển khai các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tập trung đầu tư, phát triển các công trình, dự án, sản phẩm dịch vụ trọng điểm; tăng cường liên kết để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm dịch vụ; quy hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm môi trường để phát triển công nghiệp, đô thị bền vững...
THU THẢO