Giúp phụ nữ tiếp cận pháp luật, sống tốt hơn
(BDO) Hội LHPN tỉnh vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù”. Theo đó, các cấp hội đã phối hợp triển khai nhiều hình thức hỗ trợ cho phụ nữ hoàn lương, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn…
Nói chuyện chuyên đề với nữ phạm nhân ở Trại giam An Phước
Từ tuyên truyền phổ biến pháp luật
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ (PN) chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp Hội.
Hàng năm, các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động, thực hiện công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực, trong đó có các hoạt động cảnh giác, nhận diện các thủ đoạn, hình thức lừa đảo, công tác phòng ngừa, tội phạm trong tình hình mới đến cán bộ, hội viên PN, công tác hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Hội LHPN tỉnh cũng đã ban hành các văn bản, chương trình phối giữa các đơn vị: Hội LHPN - Công an - Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2022 – 2027; phối hợp giữa Công an tỉnh - Hội LHTN - Hội LHPN tỉnh và Trại giam An Phước về giáo dục cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, PN trước đây là phạm nhân, trại viên tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2021-2026; tham gia thành viên Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh… Vì vậy, việc hỗ trợ PN đã hoàn thành chấp hành án, hoàn lương thời gian qua đạt hiệu quả tốt.
Tặng quà cho nữ phạm nhân có con nhỏ tại Trại giam An Phước
Các cấp hội cũng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với thực tế đảm bảo thiết thực, an toàn. Cụ thể như: thông qua báo cáo viên, tuyên truyền viên của hội; tổ chức hội thi, hội nghị, trực tuyến, tuyên truyền qua group Zalo, Facebook, sinh hoạt chi hội, Câu lạc bộ… Trong 5 năm qua, các cấp hội đã tuyên truyền 43.667 cuộc với 609.314 lượt hội viên tham gia. Hội LHPN còn vận động gia đình hội viên quan tâm giáo dục các thành viên trong gia đình hạn chế thấp nhất xảy ra vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Hội LHPN tỉnh tổ chức Lễ phát động và nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ với pháp luật”. Từ đó, hỗ trợ cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân được tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật và sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp cũng như thực hiện nghĩa vụ của mình...
5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 67 lớp tập huấn các luật mới, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 10.050 chị là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thành viên CLB “Phụ nữ với pháp luật”, thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại 9 huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Hội LHPN tỉnh. Tổ chức 695 cuộc tọa đàm, giao lưu, hội thi, tập huấn, nói chuyện chuyên đề với gần 37.318 người tham gia; tuyên truyền cho gần 7.500 nữ công nhân nhà trọ kiến thức về phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống, mối quan hệ, ứng xử của các thành viên trong gia đình. |
Giúp đỡ phụ nữ hoàn lương
Để giúp PN tiếp cận với pháp luật và xây dựng cuộc sống tốt hơn cũng như hỗ trợ PN hoàn lương, Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tuyên truyền chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 270 chị trên địa bàn TP.Thuận An và Dĩ An.
Một trong những chương trình ý nghĩa mà Hội LHPN tỉnh đã làm trong thời gian qua là phối hợp với Trại giam An Phước (xã An Thái, huyện Phú Giáo) tổ chức các hoạt động như: Nói chuyện chuyên đề cho 300 nữ phạm nhân với chủ đề “Không bao giờ từ bỏ”, tổ chức chương trình “Đồng hành cùng ước mơ hoàn lương” cho 200 phạm nhân (trong đó 100 nữ phạm nhân) tại Trại giam An Phước.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức sơ kết giai đoạn I Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh - Công an tỉnh - Hội LHTN tỉnh và Trại giam An Phước giai đoạn 2021 – 2026. Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp trao tặng công trình sách, triển khai mô hình văn hóa đọc trong Trại giam An Phước, tuyên truyền Luật Cư trú, tư vấn các kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp các cơ sở thẩm mỹ hướng dẫn chăm sóc da cơ bản, làm tóc cho nữ phạm nhân, giao lưu thể thao, các trò chơi vận động, tặng quà lưu niệm cho phạm nhân cải tạo tốt, tặng quà cho các cháu tại nhà trẻ của Trại giam với trị giá 150 triệu đồng.
Cùng với đó, Hội phụ nữ Công an tỉnh, Hội LHPN huyện Phú Giáo cũng tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề “Sống đẹp, sống có ích, biến ước mơ hoàn lương thành hiện thực” cho 250 nữ phạm nhân trại giam An Phước; Hội LHPN thành phố Bến Cát phối hợp Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên thành phố tổ chức chương trình truyền thông về tái hòa nhập cộng đồng với các hoạt động như nói chuyện chuyên đề “Mục đích, lý tưởng sống cao đẹp cho thanh niên, phụ nữ hoàn lương”, Tổ chức nói chuyện chuyên đề “Hành trình của niềm tin” tại Trại tạm giam Công an tỉnh (phường Tân Định, TP. Bến Cát). Các đơn vị đã trao nhiều phần quà cho các phạm nhân cải tạo tốt và giỏ sách pháp luật cho trại giam…
Các đơn vị phối hợp Trại giam An Phước tổ chức chương trình “Sống đẹp, sống có ích, biến ước mơ hoàn lương thành hiện thực”
Hội LHPN tỉnh đã giúp đỡ các nữ phạm nhân, trại viên cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức như động viên tinh thần, hỗ trợ kiến thức, vay vốn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xe đạp cho con của đối tượng, hỗ trợ chữa bệnh, sửa chữa mái ấm tình thương… Kết quả đã giúp đỡ 634 lượt người vi phạm phạm luật, hoàn lương.
“Trong 5 năm qua, việc phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Công tác giúp phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo thực hiện hàng năm, giúp cho nhiều chị em phụ nữ có việc làm, vốn làm ăn tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm để nuôi dạy con tốt hơn”- bà Thúy Phương chia sẻ.
Tính đến nay, các cấp hội đã xây dựng 299 mô hình “Địa chỉ tin cậy” với 1.272 thành viên, 81 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 1.823 thành viên, 17 CLB “Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em yếu thế” với 370 thành viên, 111 CLB “phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS” với 1.632 thành viên, 189 CLB tuyên truyền “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền pháp luật” với 4.084 thành viên. |
Quỳnh Như – Thanh Tuyền