Điện Biên Phủ - Đi giữa những tháng ngày lịch sử (Bài 2): Sống lại những khoảnh khắc hào hùng
(BDO) Bài 2: Sống lại những khoảnh khắc hào hùng
Trong hành trình về với Điện Biên, du khách sẽ được tận mắt thấy những chứng tích chiến tranh, được nghe kể về những trận đánh ác liệt, những hy sinh, mất mát, những chiến công vang dội khắp năm châu. Bên cạnh những di tích ở Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam… còn có một điểm vô cùng ý nghĩa và lý thú là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đến với nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, được sống lại trong những khoảnh khắc hào hùng nhất của lịch sử dân tộc...
Tái hiện trận đánh Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thiết kế xây dựng với hình dáng chiếc mũ nan, phủ lưới ngụy trang cùng với hệ thống nan bê tông, cốt thép tạo hình quả trám tượng trưng cho chiếc áo trấn thủ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Nơi đây, bên cạnh các hiện vật còn có một bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, được xem là bức tranh lớn nhất Đông Nam Á, thiết kế cảnh quan ấn tượng độc đáo, tái hiện sinh động 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của những chiến sĩ Điện Biên. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan với 4.500 nhân vật cùng phong cảnh núi rừng. Tất cả đã tái hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh được bố cục theo 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”, tạo cho người xem góc nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động, kết hợp với âm nhạc hùng tráng.
Du khách nước ngoài chăm chú xem cảnh tái hiện trận đánh Điện Biên Phủ năm xưa
Được ngắm nhìn những hình ảnh sống động, kết hợp âm thanh, ánh sáng, ông Nguyễn Văn Hậu, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa, nhận xét: “Vào đây, tôi như được sống trong chính những thời khắc lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Chỉ xem chưa đầy 30 phút, tôi đã hình dung được một thế trận trên chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 70 năm quyết liệt như thế nào”.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thiết kế xây dựng với hình dáng chiếc mũ nan, phủ lưới ngụy trang cùng với hệ thống nan bê tông, cốt thép tạo hình quả trám tượng trưng cho chiếc áo trấn thủ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Nơi đây, bên cạnh các hiện vật còn có một bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, được xem là bức tranh lớn nhất Đông Nam Á, thiết kế cảnh quan ấn tượng độc đáo, tái hiện sinh động 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của những chiến sĩ Điện Biên… |
Cũng chung đoàn du khách từ miền Trung đến Điện Biên tham quan, cựu chiến binh Phạm Văn Thế chia sẻ: “Có xem bức tranh tái hiện lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ mới thấy hết được sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta. Càng đi tham quan, chúng tôi càng hiểu thêm sự tài tình trong nghệ thuật chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; càng thấu hiểu hơn sự hy sinh anh dũng, tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, để thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam”.
Tâm tình của vị tướng công binh
Trong không khí hào hùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, cho biết trong mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã tập trung các lực lượng bộ đội chủ lực tham gia, như bộ binh, pháo binh, vận tải, dân công hỏa tuyến để tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trên chiến trường Đông Dương.
Trở về thăm Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Hoàng Kiền xúc động chia sẻ: “Tôi rất tự hào với truyền thống anh hùng của quân đội ta. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng hết sức vĩ đại của dân tộc ta. Trong chiến thắng chung đó có vai trò rất quan trọng của lực lượng công binh, đã mở đường để hậu phương tiếp vận cho tiền tuyến Điện Biên Phủ, làm công sự cho trận địa pháo, đào hầm bí mật vào tận cứ điểm của Pháp... góp phần tiêu diệt địch. Người bắt sống tướng Đờ-cát Xtơ-ri chính là chiến sĩ công binh, Đại tá Hoàng Đăng Vinh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 4 chiến sĩ công binh được phong anh hùng trong thực hiện nhiệm vụ đào hầm bí mật vào Đồi A1 để đánh quả bộc phá gần 1.000kg tiêu diệt cứ điểm chủ lực của Pháp, góp phần đem lại chiến thắng vĩ đại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tạo cơ sở căn bản cho việc ký kết Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”.
Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng gửi gắm đến thế hệ hôm nay và mai sau phải giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước. Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến rất ác liệt, từ chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam.
“Để có được ngày hôm nay là sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Vì vậy, thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc thì phải hiểu lịch sử của dân tộc để tự hào, để giữ gìn và phát huy sức mạnh Việt Nam, xứng đáng với công lao của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng, chiến sĩ, quân dân ta đã hy sinh cả xương máu để dựng xây đất nước”, Thiếu tướng Hoàng Kiền nhấn mạnh. (còn tiếp)
NHÓM P.V