Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục và đào tạo
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Nhằm thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Bình Dương đã tích cực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm vào giảng dạy, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục.
.jpg)
Nhanh chóng thích ứng
Tiết học môn tự nhiên và xã hội của lớp 3.10, Trường Tiểu học Hội Nghĩa do cô Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện đã trở nên đặc biệt nhờ ứng dụng AI trong quá trình giảng dạy.
Mở đầu bài học, cô đã thiết kế bằng AI dưới dạng một nhân vật hoạt hình với màn giới thiệu đầy gần gũi và hài hước. Để làm được điều này, cô Bình đã sử dụng các phần mềm như Gemini, Canva, ttsmaker.com, Runway… Điều dễ dàng nhận thấy, nhờ ứng dụng AI vào trong giảng dạy đã mang đến trải nghiệm học tập đầy hứng thú và sáng tạo cho các em học sinh. Các em học sinh trong lớp hào hứng tham gia thảo luận sôi nổi về các vấn đề trong bài học.
Đánh giá về hiệu quả ứng dụng AI trong giảng dạy, thầy Cao Khắc Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Nghĩa, TP.Tân Uyên, nhấn mạnh nhờ AI, giáo viên có thể thiết kế bài giảng sinh động, sát thực tế và phù hợp năng lực của từng học sinh. “Chúng tôi nhận thấy học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn, thích thú hơn với các môn học. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục khuyến khích đội ngũ giáo viên mạnh dạn ứng dụng AI nhiều hơn nữa vào giảng dạy. Đồng thời, nhà trường sẽ đầu tư vào công nghệ và đào tạo giáo viên để khai thác tối đa tiềm năng của AI trong giảng dạy”, thầy Cao Khắc Trí nói.
Không chỉ ở Trường Tiểu học Hội Nghĩa, nhiều giáo viên ở Bình Dương đã chọn đưa các ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào thiết kế các bài giảng từ những môn học tự nhiên vốn được coi là khô khan đến những môn học xã hội như tiếng Anh, ngữ văn, lịch sử, giáo dục địa phương… Không còn giới hạn trong những bài giảng lý thuyết, giáo viên đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học hiện đại, những tiết học kết hợp với công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp học sinh dễ hiểu hơn mà còn tạo ra môi trường học tập đầy hứng thú.
Đặc biệt, nhiều giáo viên còn mạnh dạn ứng dụng AI vào các cuộc thi giáo viên dạy giỏi và nhận được sự đánh giá cao từ hội đồng. Là một trong những giáo viên đạt giải cao tại hội thi giáo viên dạy giỏi nhờ ứng dụng AI vào tiết dạy, cô Trần Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Thông qua AI, giáo viên có thể khai thác được những phương pháp giảng dạy mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các công cụ công nghệ để tạo ra những bài giảng đầy lôi cuốn khiến học sinh hứng thú hơn trong việc tiếp nhận kiến thức. Nếu biết khai thác đúng cách, AI sẽ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian để tập trung vào việc thiết kế hoạt động học tập sáng tạo hơn”.
Những thành công ban đầu trong ứng dụng AI tại các trường học ở Bình Dương là minh chứng cho tiềm năng của công nghệ này trong giáo dục. Mặc dù có nhiều lợi ích rõ ràng, tuy nhiên để ứng dụng hiệu quả, cần có sự định hướng từ ngành giáo dục, chính sách hỗtrợvề đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ cho giáo viên thông qua các khóa tập huấn, hướng dẫn sử dụng AI một cách hiệu quả.
Chủ động trang bị kiến thức cho giáo viên
Ngay từ khi Nghị quyết 57 được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Dương đã chủ động ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm tích cực triển khai công nghệ vào thực tiễn giáo dục. Trong đó, AI được xác định là công nghệ cốt lõi để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục cũng như chất lượng dạy và học.
Mới đây, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục Sáng tạo Châu Á - Đại diện ủy quyền Google for Education tại Việt Nam, tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng công nghệ AI trong công tác quản lý giáo dục trên nền tảng Google”. Tại chương trình tập huấn, các đại biểu đã được cập nhật các tiến bộ của công nghệ gen AI; sử dụng các trợ lý cá nhân AI Gemini để tăng hiệu suất làm việc; chia sẻ kinh nghiệm đào tạo AI cho giáo viên, học sinh và triển khai trường học số Google; sử dụng công cụ notebook LM sử dụng để hỗ trợ học tập, nghiên cứu, xử lý dữ liệu; cách lựa chọn và sử dụng các công cụ AI một cách an toàn và có trách nhiệm; tọa đàm, thảo luận “Ứng dụng AI trong các hoạt động giáo dục”... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã được thực hành với “cộng sự AI” trong hỗ trợ xây dựng báo cáo, lập kế hoạch, tạo slide, tạo video, tạo hình ảnh minh họa, tạo nhạc, ghi chú cuộc họp…
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết với mong muốn không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng AI vào giáo dục, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về AI phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm mọi người đều có cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ; tham mưu đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ; chủ động nghiên cứu, ứng dụng AI một cách thiết thực và hiệu quả trong đơn vị…
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, trong thời gian tới, việc đào tạo giáo viên về AI, mở rộng hợp tác với các chuyên gia công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng số sẽ là những yếu tố quan trọng giúp giáo dục Bình Dương tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và sáng tạo. Sở GD&ĐT cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các đơn vị, trường học trong việc ứng dụng AI của Google vào thực tiễn giáo dục.
“Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ các đơn vị, trường học trong quá trình triển khai AI. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp từ các đối tác để đưa AI vào ứng dụng rộng rãi trong toàn ngành giáo dục. Tin rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành, chúng ta sẽ tạo ra những bước tiến đột phá trong việc ứng dụng AI vào giáo dục, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. (Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) |
HỒNG PHƯƠNG