Dầu Tiếng: Cải cách hành chính phục vụ nhân dân

Thứ sáu, ngày 10/01/2025

(BDO) Trong năm 2024, huyện Dầu Tiếng đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Đến cuối tháng 12-2024, Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian trên môi trường điện tử (Bộ chỉ số 766) của huyện đạt 91,8/100 điểm, xếp loại xuất sắc.

 Người dân khen

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, người dân xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, cho hay: “Tôi đến Chi nhánh Trung tâm Phục vụ Hành chính công (PVHCC) huyện Dầu Tiếng và cảm nhận được nhiều thay đổi theo hướng phục vụ nhân dân. Cụ thể, các tình nguyện viên và cán bộ trung tâm hướng dẫn người dân tận tình, chu đáo, dễ hiểu, dễ làm thủ tục hành chính (TTHC), nhất là các TTHC toàn trình, một phần bắt buộc phải scan, nộp theo quy trình điện tử. Các tình nguyện viên, cán bộ đã hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số, như: Cổng dịch vụ công Bình Dương, Tổng đài 1022, app Bình Dương số, chữ ký số cá nhân, hướng dẫn cách cập nhật VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt và nhiều tiện ích khác cho người dân. Tôi rất hài lòng”.

Cán bộ Chi nhánh Trung tâm PVHCC huyện Dầu Tiếng hướng dẫn người dân làm TTHC

Có mặt tại Chi nhánh Trung tâm PVHCC huyện Dầu Tiếng, phóng viên đã ghi nhận được không khí làm việc nghiêm túc trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức. Nhiều người dân đã đánh giá cao tinh thần phục vụ, cán bộ đã giúp họ làm TTHC trên nền tảng số nhanh, gọn, theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, hiện đại và thân thiện. “Tôi cảm thấy rất hài lòng vì cán bộ nhiệt tình hỗ trợ hoàn thành TTHC. Nhiều cái mới theo quy trình số chúng tôi không hiểu, được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, nhất là việc thanh toán các khoản phí, lệ phí trên nền tảng số qua tài khoản cá nhân”, ông Bùi Mạnh Long, ngụ khu phố 1, thị trấn Dầu Tiếng cho biết.

Chính quyền nỗ lực

Ông Trần Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC Chi nhánh huyện Dầu Tiếng, cho biết huyện đã liên kết và đăng tải đầy đủ bộ TTHC phục vụ người dân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến. Hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan, ban ngành và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông 4 cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn huyện đã cung cấp được khoảng 8.943 chữ ký số cho công dân; trên 8.300 tài khoản ví điện tử. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100%; tỷ lệ thống kê, báo cáo thực hiện trực tuyến đạt 100%; trên 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

 UBND huyện Dầu Tiếng cũng đưa ra hàng loạt giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng giải pháp hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước. Sắp tới, huyện sẽ tăng cường yếu tố con người, tuyển thêm các cán bộ am hiểu công nghệ thông tin, cử cán bộ đào tạo chuyên sâu các chuyên đề chuyển đổi số. Song song đó là gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, xem đây là yếu tố đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, đầu tư thiết bị, phương tiện làm việc.

Cái khó hiện nay theo ông Hoàng Anh là nhiều người dân ở vùng nông thôn còn chưa am hiểu nhiều về các quy định mới, về chuyển đổi số ở lĩnh vực giải quyết TTHC. Tuy nhiên, cán bộ trung tâm tích cực tuyên truyền và hướng dẫn để mỗi người dân ai cũng làm được hồ sơ trên nền tảng số. “Đối với các trường hợp người già, khó khăn trong sử dụng điện thoại thông minh, chúng tôi cũng hướng dẫn tận tình để họ làm được TTHC toàn trình, một phần. Sau đó, họ rất hài lòng về phong cách phục vụ của cán bộ trung tâm”, ông Hoàng Anh cho biết.

Trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, tạo sự thuận tiện cho người dân đến liên hệ công việc. TTHC đã được công khai, minh bạch, đơn giản hóa góp phần tích cực vào việc giảm bớt phiền hà trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Toàn huyện còn trang bị thêm nhiều máy tính đặt tại các bộ phận tiếp dân, “một cửa” để tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp nắm được các quy trình nộp hồ sơ qua mạng, các trang chính thống, như: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương. Riêng Chi nhánh Trung tâm PVHCC huyện Dầu Tiếng trang bị nhiều máy scan để giúp người dân scan, nộp hồ sơ trực tuyến với quyết tâm số hóa hồ sơ đầu vào, đầu ra theo hướng giải quyết TTHC trên nền tảng số.

Trong hàng loạt giải pháp được UBND huyện Dầu Tiếng đề ra để đẩy mạnh thực hiện TTHC trên nền tảng số còn nhấn mạnh đến việc tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tiện ích dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục xây dựng và thực hiện các mô hình tư vấn, hướng dẫn TTHC trên nền tảng số cho người dân, hướng đến xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần cùng tỉnh xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số, thành phố thông minh...

HỒ VĂN - KHẮC TUẤN