“Chìa khóa” để Bình Dương tăng trưởng hai con số - Bài 4

Thứ năm, ngày 13/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Bài 4: Kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững

 Hiến kế để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện, theo các chuyên gia, Bình Dương cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là đột phá của sự phát triển tiên phong khai thác, tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh để thu hút các nguồn lực đầu tư có chất lượng.

 Trường Đại học Quốc tế Miền Đông tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh

 Đột phá về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, công nghệ là “chìa khóa” để Bình Dương bứt phá. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Bình Dương cần đẩy mạnh cải cách thể chế bằng cách xây dựng các quy định và chính sách ưu đãi rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các ngành công nghệ cao; đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số; xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu, mạng lưới logistics thông minh và các khu công nghiệp số hóa để tối ưu hóa hiệu suất kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh, cũng cho rằng dịch vụ công đóng vai trò là cú hích đối với tăng trưởng kinh tế. Tăng cường sử dụng công nghệ số vào quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo ra một chính quyền điện tử, quản lý nhà nước thông minh trên nền tảng công nghệ số vừa thúc đẩy công nghệ số phát triển vừa tạo thuận lợi trong cung cấp dịch vụ công, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và DN sẽ góp phần thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế.

Với quan điểm lấy người dân, DN là trung tâm phục vụ, năm 2025 Bình Dương xác định tiếp tục phát triển hạ tầng số, ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số trong quản lý điều hành. Bình Dương đang triển khai tích cực, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), tích hợp dữ liệu toàn diện giữa các hệ thống địa phương và quốc gia, hoàn thiện hệ sinh thái số, hỗ trợ người dân và DN tiếp cận các dịch vụ số tiện lợi, an toàn.

Theo Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh, Bình Dương cần đặt mục tiêu trở thành chính quyền cấp tỉnh có công nghệ và giải pháp tốt nhất Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 của Đảng bộ tỉnh, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ở cả 3 động lực: Xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Có như vậy, Bình Dương mới bảo đảm cho sự phát triển ổn định lâu dài…

 Giới thiệu máy móc công nghệ tự động hóa tại Triển lãm tự động hóa Việt Nam 2024 và Triển lãm điện và năng lượng 2024 tổ chức tại Bình Dương

Ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh

Một trong những “điểm nghẽn” hiện nay của Bình Dương là đang thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ngay từ đầu năm 2025, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết qua rà soát, dự báo trong năm nay các DN trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng từ 70.000 - 80.000 lao động. Xu hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của DN được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng thời gian qua đã và đang đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, Bình Dương vẫn đang thiếu hụt lao động.

Bên cạnh thường xuyên thông tin, cập nhật biến động cung, cầu lao động, ông Phạm Văn Tuyên cho biết thời gian tới, cùng với việc hỗ trợ các DN đăng thông tin tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường hỗ trợ các DN kết nối hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo, nâng cao chất lượng lao động tại chỗ.

Thực tế cho thấy, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại Bình Dương, họ luôn đặt ra hai vấn đề về hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng được yêu cầu hay không, nhất là với những ngành nghề ưu tiên, mà gần đây Bình Dương đang kêu gọi đầu tư. Để thu hút nhiều dự án công nghệ cao thì nguồn nhân lực trình độ cao luôn là yếu tố hàng đầu. Ông Jesper Hassellund Mikkelsen, Phó Chủ tịch cấp cao khối sản xuất châu Á Tập đoàn Lego (Đan Mạch), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III), chia sẻ để chuẩn bị đi vào hoạt động, công ty đã tăng gấp đối số lượng nhân viên trong năm 2024 và đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Dự kiến, trong năm 2025 con số này sẽ tăng gấp 3 lần. “Chúng tôi đã tuyển được nhiều nhân lực chất lượng cao nhờ hợp tác chặt chẽ với trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Chúng tôi cũng có các chương trình đào tạo chuyên sâu, kết hợp giữa đào tạo trong nước và nước ngoài. Chương trình sẽ kéo dài đến hết quý I-2025, dự kiến tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm nhân viên tham gia tiếp xúc với nhiều công đoạn sản xuất khác nhau”, ông Jesper Hassellund Mikkelsen nói.

Hiện trên địa bàn Bình Dương có 8 trường đại học. Bình Dương đã xây dựng Đề án Thành phố thông minh, mục tiêu là phấn đấu trở thành một trong những đia phương đi đầu cả nước có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo và phát triển, “giữ chân” các nhân tài khoa học - kỹ thuật để đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, cho rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế tri thức là yếu tố sống còn để Bình Dương đạt mục tiêu đề ra và không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bình Dương cần tiếp tục xây dựng hệ thống giáo dục - đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tập trung vào khoa học và công nghệ. Bình Dương cũng cần chú trọng đến đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề và có những chính sách đãi ngộ nhân tài tương xứng (còn tiếp).

 Trong năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm của Bình Dương về phát triển kinh tế - xã hội vẫn là ưu tiên triển khai thực hiện theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương tiếp tục đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”.

 NGỌC THANH