Bình Dương hào sảng, nghĩa tình
(BDO) Ông anh chồng ở miền Trung vô Bình Dương ở chơi với vợ chồng đứa con trai được hơn một tuần. Ngày tôi chở anh ra sân bay về lại quê, anh bảo ở Bình Dương coi vậy mà cái gì cũng rẻ em ha. Anh cứ tưởng trong này đắt đỏ lắm mà hôm bữa đi một vòng Bình Dương với mấy đứa nhỏ, thấy cái gì cũng rẻ, cũng ngon: Ly cà phê gì có 10 ngàn, ổ bánh mì có 12 ngàn, mua con cá lóc bự chảng có mấy chục ngàn, trái cây thì lại càng rẻ… Tôi cười bảo, anh mua ổ bánh mì 12 ngàn là mắc rồi đó, chớ em mua có 5 ngàn à. Thấy anh mắt tròn, mắt dẹt không tin, tôi mở chương trình Tôi yêu Bình Dương tập 33 “Gánh bánh mì ngoại Sáu”, đưa anh coi. Anh vừa coi, vừa cảm thán “ôi, hay quá! thương quá!”…
Tôi nói với anh, đất Bình Dương cái gì cũng rẻ, người Bình Dương hào sảng, nghĩa tình.
Gánh bánh mì chứa cả tấm lòng bao dung, nhân hậu của ngoại Sáu
Khác với những người con của quê hương Bình Dương, tôi cảm nhận về Bình Dương hơi khác. Tôi yêu mảnh đất này theo kiểu một người lạ đến, rồi yêu, rồi hứa hẹn, kết giao, rồi quyết định gắn bó dài lâu trên mảnh đất tình người này.
Nói đất Bình Dương bao dung, người Bình Dương hào sảng, nghĩa tình thật không sai chút nào. Không bao dung sao được khi dân số Bình Dương hiện có khoảng 2,7 triệu người, thì có đến gần 60% là người nhập cư. Nhưng dù là người ở đâu thì bây giờ gần 2,7 triệu con người này đều như nhau, có cùng cơ hội sinh sống, cùng an cư lạc nghiệp, cũng như có cùng trách nhiệm với tên gọi Bình Dương.
Không hào sảng sao được, khi bạn cứ thử đi một vòng rồi tấp đại vào sạp rau, sạp cá nào trong chợ hỏi đủ thứ, song nhớ ra mình quên mang bóp mà coi. Anh bán cá, chị bán rau vẫn cười thiệt tươi “không sao, cứ mang về ăn, chừng nào tiện thì ngang qua trả tui cũng được mà”. Tôi khẳng định, khi họ nói câu đó là họ chấp nhận thiệt thòi về phía mình. Nếu bạn trả lại họ vui, mà không trả lại cũng không sao. Đó là sự hào hiệp, sự phóng khoáng ngay cả với người lạ của người dân nơi đây.
Người Bình Dương không phải ai cũng giàu tiền giàu bạc, nhưng lại rất giàu nghĩa, giàu tình. Họ luôn sẵn sàng chia cho bạn một phần những gì họ đang có. Nếu xe bạn lỡ hết xăng giữa đường, sẽ có người sẵn sàng chiết xăng từ xe của họ ra cho bạn. Nếu xe bạn bị thủng lốp, luôn có những tiệm vá xe miễn phí. Hay khi xe bạn bỗng dưng chết máy, chắc chắn sẽ có người giùm bạn đẩy xe cho đến khi nào tìm được tiệm sửa xe mới thôi…
Không nghĩa tình sao được, khi hình ảnh những thùng trà đá, giỏ bánh mì miễn phí đã trở nên quá quen thuộc ở Bình Dương, nhất là những mùa lễ hội. Anh phụ hồ người miền Tây, về quê rồi vẫn nhớ mãi những ngày làm ở Bình Dương năm nào, làm việc cực nhọc ăn đĩa cơm hơn chục ngàn chẳng thấm vào đâu. Chị chủ quán tinh ý lúc nào cũng bới cho chén cơm thêm, đĩa rau sống và không quên múc thêm ít nước cá, nước thịt kho. Bấy nhiêu thôi mà khiến anh ấm lòng và nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Tấm lòng người Bình Dương là vậy đó, ở mảnh đất này, người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh như ngoại Sáu bán bánh mì (tập 33), anh Đen vì môi trường xanh (tập 40), quán cơm nụ cười (tập 45), Hiệp “khùng” hút đinh (tập 46), hay bà giáo Ba về hưu bán vé số lo cho các em ở lớp học tình thương (tập 56)… như trong chương trình Tôi yêu Bình Dương của Báo Bình Dương.
20 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi không yêu Bình Dương sao được, khi mà nơi đây không chỉ cưu mang tôi mà chở che cho rất nhiều những phận người. Tôi yêu Bình Dương hơn, khi ở đây còn rất nhiều những con người, những việc làm đầy ắp tính nhân văn như thế. Những việc nhỏ bé và rất bình thường của những con người không tầm thường ấy khiến cho những người con Bình Dương, những người đang sinh sống và làm việc ở Bình Dương như tôi, tràn đầy một niềm tin, niềm hy vọng về “sự tử tế” vẫn đang tồn tại ở khắp mọi nơi, như những ánh sáng mặt trời lấp lánh, soi rọi mỗi ngày...
Báo Bình Dương đang phát động cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề “Tôi yêu Bình Dương” lần 2 - năm 2023. Để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc thi, mời quý độc giả quét mã QR:
|
NGỌC THANH